Kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng
23/02/2023 03:36
Kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng

Kỹ thuật nuôi bò nhốt chuồng

 

Trước đây người dân chăn nuôi bò tự nhiên không quan tâm đến các vấn đề như giống và độ tuổi của bò, chất lượng thịt vì chủ yếu chăn nuôi nhỏ lể để phục vụ kéo cày. Ngày nay khi cơ giới hóa đã được phổ biến rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thì người chăn nuôi đã nhắm tới mục đích lớn hơn là nuôi để bán sinh lợi, phát triển kinh tế. Vì vậy bà con đang có xu hướng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn từ vài ba con đến hàng chục con một hộ.

 

Kỹ thuật nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt

Tuy nhiên khi diện tích đồng cỏ tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp thì với người dân đã quen với phương thức chăn thả bò tự do lại gặp rất nhiều khó khăn cùng với sự phát sinh của nhiều loại dịch bệnh rất dễ sảy ra như viêm da nổi cục, lở mồm lông móng,…. Trước quyết định trên ngành nông nghiệp đã có nhiều văn bản hướng dẫn và khuyến cáo bà con nên thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông sang với nuôi nhốt chung với quy mô truồng trại hợp lý đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, đồng thời tiến hành trồng cỏ để làm nguồn thức ăn chủ lực. Đây cũng chính là hình thức chăn nuôi đã được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng rất hiệu quả, vừa dễ dàng chăm sóc đàn vật nuôi lại kiểm soát đc dịch bệnh hạn chế lây lan ra diện rộng.

Kỹ Thuật nuôi bò nhốt chuồng
          Việc nuôi bò nhốt chuồng không chỉ giúp người dân giảm bớt công lao động mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Nuôi nhốt cũng giúp cho việc tập trung thu gom phân dễ dàng hơn vừa đảm bảo vệ sinh vừa cung cấp được nguồn phân bón cho cây trồng. Ngoài ra bà con cũng tiện việc quản lý theo dõi đàn bò có thể chủ động phối giống hay phòng dịch cho đàn bò.

Trên địa bàn xã Hương Liên, mô hình chăn nuôi trâu bò theo hình thức nhốt chưa nhiều, còn nhỏ lẻ.

Để chăn nuôi trâu bò theo hình thức nhốt đưa lại hiệu quả cao và đảm bảo công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi.  Sau đây chúng tôi hướng dẫn bà con một số kỹ thuật chăn nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt.

*Chuẩn bị chuồng nuôi

Để thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng quản lý đàn bò thì việc sử dụng chuồng nuôi bò là khâu đầu tiên bà con cần chuẩn bị. Chuồng nuôi được xây dựng dựa trên số lượng đàn bò và quy mô chăn nuôi hộ gia đình hay trang trại. Chăn nuôi bò theo hình thưc nhốt chuồng là bò sẽ được chăm sóc nuôi dưỡng tại chuồng nên yêu cầu chuồng trại phải đảm bảo được đầy đủ các bộ phận như nền, mái, rào chắn xung quanh, máng ăn, máng uống, hố chứa phân.

Để đảm bảo bò luôn khỏe mạnh thì chuồng trại hải đạt các yêu cầu sau:

- Diện tích chuồng bình quân từ 2-4 mét vuông.

- Xây dựng ở nơi cao ráo , sạch sẽ thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.

- Chuồng làm cách nhà ở tối thiểu là 4 mét, quay về hướng nam hoặc đông nam.

- Nền chuồng phải làm chắc chắn lát gạch hay bê tông để dễ dọn vệ sinh. Có độ dốc 2-3 % về phía rãnh thoát.

- Bố trí máng ăn, máng uống dọc theo hành lang.

- Kích thước máng ăn: 60cm x 120 cm. Cao phía sao 80cm, cao phía trước 50 cm, trong lòng máng hình lòng mo.

- Kích thước máng uống dài 60cm x rộng 60cm x sâu 40cm.

- Rãnh thoát nước thải: rộng 30cm, sâu 30cm, độ dốc 5- 8 %.

- Cần bố trí thêm hố ủ phân hoặc hầm biogas, hệ thống rèm che cách tầm bò với 1- 1,5 mét. Chồng cây xanh chống nóng cho bò giữa mùa hè.

- Có thể ngăn thành các ô rộng để nuôi nhốt 5- 7 con cùng một chuồng hoặc dùng ống kẽm hàng cũi để nuôi nhốt riêng thành từng con.

*Khâu chọn giống

Một trong những yếu tố quyết định đến thành công của nghề chăn nuôi bò thịt hiện nay là lựa chọn giống bò. Vì giống bò quyết định tới năng xuất chất lượng thịt và giá thành sau này. Để nuôi bò thịt đạt hiệu quả bà con không nên chọn giống bò nội còn gọi là bò địa phương nên chọn giống bò lai sind hoặc bò italia màu trắng, chọn bò có bộ xương to, lông nhuyễn, bụng thon, dài đòn vai đôi hai đùi sau to, cạnh đôi to, dịch hoàn to không lộ rõ, đầu to, răng nhỏ mà thấp, không kén ăn. Giống khác nhau thì tốc độ sinh trưởng phát triển tích lũy thịt mỡ cũng khác nhau. Hiện trên thế giới có rất nhiều giống bò siêu thịt cho năng xuất rất cao cho tỷ lệ thịt sẻ tới 70%. Tỷ lệ thịt tinh trên 50%, giá trị dinh dưỡng thịt rất cao, rất thơm ngon. Tuy nhiên hướng lựa chọn để nuôi phù hợp là các giống vùng nhiệt đới có thể thích nghi khí hậu nóng ẩm.

Khi chọn mua giống bò để nuôi vỗ béo đối với bê tơ thì không nên chọn giống bò nội, bò ta màu vàng. Nếu là bò trưởng thành nên chọn những con có bộ khung to khỏe mạnh. Loại bò này sẽ đạt được tốc độ tăng trọng khá nhanh, thời gian cần thiết để vỗ béo bò chỉ cần khoảng 2 tháng không nên chọn những con đã quá già. Để chăn nuôi bò thịt có hiệu quả cao bà con nên chọn giống bò lai nhóm zêbu gồm: Red Sindhi, Brahman, Sahiwal. Đặc biệt giống bò Brahman có nguồn gốc từ Ấn Độ và Brazin đang được nhiều bà con lựa chọn để nuôi vì bò Brahman có thể lực tốt thích nghi cao với điều kiện nhiệt đới khô hạn. Khả năng sinh sản và sản xuất vẫn duy trì ở nhiệt độ cao, thời tiết khắc nghiệt cũng như vùng đồng cỏ khô hạn, việc đầu tư và chăm sóc cũng tiết kiệm hơn. Ngoài ra khi chọn giống bò bà con nên lưu ý một vài điểm sau:

  • · Chọn những con có thể chất khỏe mạnh.
  • · Ngoại hình cân đối, lông óng mượt da mềm.
  • · Đầu cổ linh hoạt, mặt ngắn chán rộng mắt sáng, mõm bẹ bộ răng còn tốt.
  • · Lưng dài, thẳng, ngực sâu, rộng bụng tròn gọn.
  • · Mông nở, đuôi dài, gốc đuôi to.
  • · Chân thẳng, bước đi vững trãi, chắc chắn, móng khít.
  • · Yếm rộng, bao da rốn phát triển.

*Khâu chăm sóc

Khác với chăn nuôi bò theo hình thức chăn thả truyền thống trước đây, chăn nuôi bò thịt khá đơn giản mà vẫn mang lại hiệu quả cao bởi người nuôi không tốn nhiều công chăm sóc chỉ cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong khâu nuỗi dưỡng thì bò sẽ tăng trưởng và phát triển nhanh.

Nguồn thức ăn chủ yếu của bò thịt vẫn là các loại cỏ tươi rơm rạ, cỏ khô, thức ăn xanh thô, củ quả, ngoài ra còn có các loại thức ăn ủ chua, rơm đã được kiểm hóa các loại thức ăn tinh chế. Chăn nuôi bò thịt bằng các thức ăn vỗ béo khác với chăn nuôi bò truyền thống là có bổ sung thêm thức ăn tinh và các phụ phẩm như bống rượu, cám.

Việc chăm sóc nuôi dưỡng là yếu tố rất quan trọng giúp đàn bò phát triển nhanh. Thời gian vỗ béo thường kéo dài từ 2- 2,5 tháng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến kết quả vỗ béo của bò. Chăm sóc nuôi dưỡng bò vỗ béo chủ yếu là cách chọn lựa thức ăn và cách cho bò ăn. Thức ăn của bò vỗ béo chủ yếu là thức ăn thô xanh đây là nguồn thức ăn rât quan trọng đối với bò vỗ béo. Mặc dù việc cung cấp dinh dưỡng của thức ăn thô xanh không cao nhưng thức ăn thô xanh lại đóng vai trò rất quan trọng giúp cho bò không bị chướng hơi, dạ cỏ do sử dụng qúa nhiều thức ăn tinh trong suốt quá trình vỗ béo. Cần cung cấp đầy đủ lượng thức ăn thô xanh có chất lượng tốt đã băm nhỏ và cho bò ăn tự do cả ngày. Đối với thức ăn thô xanh là cỏ tươi khi cắt về nên rửa và phơi tái sau đó cho bò ăn, đảm bảo sạch mầm bệnh giảm chướng hơi, dạ cỏ và ngộ độc. Đối với phụ phẩm như thân lá cây ngô, bẹ ngô có thể cho ăn thẳng sau khi băm nhỏ. Không nên cho bò ăn quá nhiều cây họ đậu như dây lạc, đỗ trong một bữa tối đa chỉ được cho ăn 1/3 khẩu phần dưới 10 kg một bữa để đảm bảo nguồn cỏ cho bò luôn dồi dào quanh năm và phù hợp với hình thức nuôi nhốt. Bà con nên có diện tích đất để trồng cỏ, việc chọn cỏ dễ trồng sinh trưởng và phát triển nhanh cũng rất quan trọng trong chăn nuôi bò thịt. Hiện có nhiều loại cỏ như Va06, Ruzi, cỏ sữa cho năng suất dinh dưỡng cao rất thích hợp để trồng làm thức ăn cho bò.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ lượng thức ăn thô xanh cho bò thịt, bà con cần bổ sung thêm các loại thức ăn tinh như bột bắp cám gạo, bột mì, thức ăn giàu protein, giàu đạm để nâng cao hiệu quả vỗ béo bò. Ngoài ra bà con nông dân có thể dùng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, cây mía, để chế biến thành thức ăn, ủ chua để dành cho bò ăn dần vào mùa khô thiếu cỏ.

Trước khi bán thịt nếu bò gầy cần vỗ béo khoảng 2 tháng sẽ cho lợi nhuận cao. Trong thời gian vỗ béo bò cần nuôi nhốt hoàn toàn cung cấp thức ăn, nước uống tại truồng. Vỗ béo bò quan trọng nhất là sử dụng lượng thức ăn tinh hợp lý, kết hợp hài hòa với thức ăn thô xanh và các phụ phẩm khác. Đồng thời phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của bò để bò tích lũy tạo thịt trong cơ thể càng nhiều càng tốt.

Để bò nhanh béo bà con cần áp dụng những quy định sau:

  • · Tẩy giun sán trước lúc vỗ béo.
  • · Nuôi nhốt tại chuồng suốt thời gian vỗ béo.
  • · Mỗi ngày cho ăn từ 8- 10 kg thức ăn thô xanh, 3,5 kg thức ăn tinh chia làm 4- 5 bữa trong ngày.
  • · Thức ăn tinh được trộn theo công thức 44 kg bột sắn + 50% bột ngô + 3% Ure + 1% muối + 2% bột xương hoặc 70% bột sắn + 22 % cám gạo + 3% ure + 1% muối + 2% bột xương.

Lưu ý : Luôn luôn có nước sạch trong máng uống trong thời gian vỗ béo. Nên bổ sung từ 20- 30 g muối ăn vào nước uống cho bò mỗi ngày. Ngoài chế độ ăn hợp lý thì bà con cần thường xuyên theo dõi quản lý chăm sóc bò trong quá trình nuôi vỗ béo bò. Hàng ngày cân lượng thức ăn trước khi cho bò ăn vào buổi sáng ngày hôm trước và thức ăn thừa buổi sáng ngày hôm sau. Cần có sổ ghi chép về tình trạng sức khỏe tăng khối lượng và tiêu tốn thức ăn của bò để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

*Khâu phòng bệnh

Bò là gia súc có sức đề kháng tốt nên ít bị dịch bệnh hơn các loại gia súc khác. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh thường xuyên diễn biến phức tạp gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh daklak. Ngoài những chính sách hỗ trợ của trạm thú y thì người chăn nuôi cũng đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh tránh lây lan trên diện rộng. Theo ông Trần Huy Bân thành viên hiệp hội nuôi bò tại huyện Eakar để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi bò, cần phải nhận thức được ý nghĩ của việc phòng chống trị bệnh bằng cách tiêm phòng cho đàn bò và tích cực vệ sinh chuồng trại.

 

Thường xuyên vệ sinh chuồng trại nuôi bò

Để phòng bệnh cho đàn bò ngoài việc tiêm phòng bà con cần quyét dọn hàng ngày để nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.

  • · Sát khuẩn chuồng trại định kỳ bằng Bencozid, Cloramin 3- 5%.
  • · Sau mỗi đợt nuôi dùng nước vôi 20% quyét toàn bộ khu vực chuồng nuôi
  • · Cung cấp đầy đủ thức ăn theo tiêu chuẩn cho từng giai đoạn sinh trưởng.
  • · Nước uống đủ và sạch.

Cần phòng bệnh theo định kỳ cho bò :

  • · Tiêm phòng vác xin bắt buộc định kỳ 2 lần/ năm. Đối với bệnh lở mồm long móng tụ huyết trùng: lần 1 vào tháng 2-3 hàng năm sau 6 tháng tiêm nhắc lại lần 2.
  • · Phòng bệnh sán lá gan: dùng Dertyl B Fascioranida hoặc Nitrolin tẩy giun sán hoặc tiêm dưới da 1 ml/25kg thể trọng.
  • · Bệnh ghẻ rận, dùng thuốc BKA để điều trị.

Bà con cần thường xuyên theo dõi bò, chăm sóc bò để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bò bị bệnh đầu tiên để có những biện pháp trị bệnh kịp thời. Khi nhìn bề ngoài bò phải đảm bảo mũi ướt, tai, mắt phải linh hoạt và da phải bóng và bò ăn nhiều. Đặc biệt khi thấy bò giảm ăn hoặc giảm nhai lại có nghĩa bò đang bệnh. Hoặc là thời tiết thay đổi bò thường mắc một số bệnh:

  • · Khi ăn uống không đúng vệ sinh thì bò hay bị bệnh chướng hơi dạ cỏ thì chúng ta có thể trị bệnh tại nhà bằng quả bồ kết xông hơi đưa vào mũi bò để bò hắt xì, hay chúng ta có thể dùng các loại thảo dược như gừng tỏi xoa vào vùng hõm hông vào bên trái của bò. Trong trường hợp bò không thể hắt hơi và thoát hơi được chúng ta kéo lưỡi và cho uống một ít rượu trong đó có pha tỏi và gừng tăng kích thích nhu động dạ cỏ và bò ợ hơi đc ra và thoát ra mau.
  • · Ngoài ra bò còn mắc các bênh về ký sinh trùng như sán lá gan dấu hiệu nhận biết là bò bị tiêu chảy và lông xù vầng mắt có dử.

Mô hình chăn nuôi trâu bò bằng hình thức nhốt là một trong những hình thức chăn nuôi mà bà con nhân dân chúng ta nên lựa chọn, nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao và thuận lợi trong việc chăm sóc cũng như phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Bà con nên tìm hiểu kỳ về kỹ thuật từ khâu chọn giống, làm chuồng, cách chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi, để mô hình chăn nuôi đưa lại thu nhập, phát triên kinh tế cho hộ gia đình và lựa chon mô hình thức chăn nuôi nhốt là một hình thức chăn nuôi hiệu quả mà chúng ta cần nhân  rộng./.

 

Tác giả: Phan Thị Chiều - Phát thanh viên - Nguồn: Kỹ thuật nông nghiệp