Kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua, ái quốc (11/6/1948 - 11/6/1924)
11/06/2024 08:00
Kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua, ái quốc (11/6/1948 - 11/6/1924)

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc. Lời kêu gọi được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Sau Chiến thắng Việt Bắc (Thu - Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Thực hiện chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày, Ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực, như: Tuần lễ vàng, Bình dân học vụ, vận động “Đời sống mới", Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng... thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi lứa tuổi, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào: Sóng Duyên hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba nhất, Trống Bắc Lý, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang, Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị phát động, đạt hiệu quả thiết thực tạo nên động lực to lớn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, Đảng, Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT), triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác TĐKT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt là, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác TĐKT, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành ban hành và không ngừng bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các gương “người tốt, việc tốt", các mô hình, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, các anh hùng, chiến sĩ thi đua được chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội. Qua đó, động viên được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, trở thành động lực to lớn, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh vềhi đua ái quốc, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐKT, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào Thi đua Quyết thắng, các cuộc vận động, gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện các phong trào thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kịp thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, gương điển hình tiên tiến ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực; cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc ngày 11/6/1948, các phong trào thi đua ái quốc đã được phát động và lan rộng khắp các vùng miền.

Trong giai đoạn 1945 - 1954, những phong trào này đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sỹ cả nước hăng say lao động, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói, giặc dốt, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm..., làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

Tác giả: Phan Thị Chiều - Phát thanh viên