Tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
23/11/2023 10:04
Tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Thời gian qua, trên địa bàn xã đã xảy ra một số đợt mưa kéo dài làm cho nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm; các loại mầm bệnh dễ phát tán, cùng với thời tiết chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhiễm của mầm bệnh. Hoạt động tái đàn, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm gia tăng trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán.

          Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang xuất hiện một số loại dịch bệnh nguy hiểm là Dịch tả lợn Châu Phi và Lở mồm long móng (xuất hiện tại huyện Cẩm Xuyên, huyện Đức Thọ và huyện Nghi Xuân).

Bệnh dịch tả lợn châu Phi là gì?

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Con đường lây bệnh

Vi rút dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: Chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh.

Triệu chứng dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.

            - Thể quá cấp tính: Lợn chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng lâm sáng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

            - Thể cấp tính: Lợn sốt cao (40,5- 42°C). Trong 2-3 ngày đầu tiên lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ , nằm chồng đống, lợi thích nằm chỗ có bóng rẫn hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang mầu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuối, cẳng chân, đa phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có mầu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phấn có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút dịch tả lợn châu Phi trong suốt cuộc đời.

- Thể á cấp tính: Lợn biểu hiện triệu chứng sốt nhẹ; hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, ho khó thở, viêm khớp, đi lại khó khăn, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.

            Hiện nay chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho lợn đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy để dịch không bùng phát, lây lan trên địa bàn Người chăn nuôi cần:

            - Thường xuyên vệ sinh, sát trùng chuồng trại chăn nuôi, các phương vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các điểm bán buôn, giết mổ lợn và các sản phẩm thải của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất.

            - Vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi.

            - Phát hiện cách ly lợn bị bệnh và nghi bị bệnh.

            - Diệt các nguồn bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang mầm bệnh phát tán ra bên ngoài.

            - Không mua, bán thịt lợn không có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ lợn.

            - Không mua lợn giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảm an toàn dịch bệnh...

    - Thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm kịp thời phát hiện và báo cáo UBND xã qua cán bộ thú y xã nếu phát hiện dịch bệnh để kịp thời xử lý, bao vây, khống chế, bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các mầm bệnh. Tuyệt đối không được dấu dịch, làm nguy cơ bùng phát lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát.

Tác giả: Phan Thị Chiều - Phát thanh viên